Skip to main content

Niềm vui của người dân khi cầu lộ sau K16 xã Phú Thạnh chuẩn bị đưa vào sử dụng

Xóa cầu cây, xây cầu bê tông kiên cố là chủ trương của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân, vừa nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu, sinh hoạt, học tập… là niềm mơ ước của đông đảo người dân xã Phú Thạnh từ bấy lâu nay.

Đến với xã Phú Thạnh hôm nay, đường xá được rải nhựa thay cho những con đường đất nắng bụi mưa bùn, các cầu cây, cầu sắt đang được dần thay thế bởi những cây cầu bê tông vững chắc. Xác định việc xây dựng cầu Lộ sau K16 là nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ xã nên từ năm 2020 xã đã tìm nhà tài trợ chính nhưng mãi đến năm 2022 mới có cơ hội gặp gỡ mạnh thường quân thông qua (Chú 4 Bạch, Chú 8 Thuận, Chú Út Hoàng) thì việc xây dựng cầu Lộ sau K16 được tiến hành.

Cầu Lộ sau K16 xã Phú Thạnh được khởi công xây dựng vào ngày 06/6/2023 và sẻ khánh thành đưa vào sử dụng sáng ngày 08/10/2023, qua đó nối liền 2 bờ ấp Phú Cường B và ấp Phú Đức A. Cây cầu có tổng dài 30m, ngang 4,5m, tải trọng 8 tấn, độ thông thuyền ngang 10 mét, cao 3,5 mét (tính từ mực nước trung bình) đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí xây dựng trên 1 tỷ 600 triệu đồng (1,676,303,000 gồm tiền và hiện vật) được các mạnh thường quân trong và ngoài xã đóng góp, đồng thời nhân dân đóng góp trên 1.650 ngày công lao động.

Ông Đỗ Văn Chanh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Thạnh chia sẻ: “Trước đây cây cầu lộ sau K16 của xã Phú Thạnh bằng gỗ, đã xuống cấp, nay được nhà nước và nhân dân chung tay hoàn thành cây cầu bê tông tạo thuận lợi cho người dân qua lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng, bản thân ông thấy rất phấn khởi và vui mừng”

Ông Đinh Văn Túc, thành viên Tổ từ thiện xã Phú Thạnh phấn khởi cho biết:

“Ông từng mơ ước có cây cầu bê tông thay cho cây cầu gỗ, nay địa phương quan tâm vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương xây cầu bê tông lộ sau K16 thay cho cây cầu gỗ đã xuống cấp, không kể là ngày nắng hay mưa, bản thân ông tích cực tham gia góp sức lao động, vận động anh em trong tổ từ thiện đóng góp hơn 1000 ngày công. Đến nay cây cầu hoàn thành, bản thân ông và người dân trong xã rất vui mừng vì có cây cầu bê tông vững chắc, giúp cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi hơn”

Ngay từ đầu năm 2023, xã Phú Thạnh đề ra chủ trương xây dựng cầu giao thông nông thôn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức họp dân, xin ý kiến thống nhất trong nhân dân để triển khai thực hiện, theo đó trong năm nay xã Phú Thạnh xây dựng từ 02 cây cầu nông thôn từ nguồn tiền vận động mạnh thường quân và nhân dân.

Bà Lý Thị Lệ Hằng, Phó bí thư đảng ủy- Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh cho biết:

Toàn bộ kinh phí của mạnh thường quân đóng góp được công khai, người dân trực tiếp giám sát từ kinh phí đến chất lượng. Chính sự minh bạch tài chính đã được nhiều người đồng tình ủng hộ, an tâm góp công góp của, cùng nhau xây cầu”

Từ đầu năm đến nay, chính quyền xã Phú Thạnh cùng bà con trong và ngoài xã đã góp công, góp của xây dựng 01 cây cầu sắt, 1 cây cầu ván và 01 cây cầu bê tông kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa. Các mạnh thường quân trong và ngoài xã như Thầy Nguyễn Ngoan Câu Lạc bộ ManDaLa phong thủy thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 500 triệu đồng, Gia đình ông Vương Tấn Dũng thành phố Long Xuyên, An Giang, đóng góp 300 triệu đồng, gia đình ông Phan Văn Ngân, xã Phú Thạnh, Phú Tân đóng góp 148,400,000đ, gia đình bà Phạm Thị Ở (Nguyễn Văn Bạch) Phú Tân đóng góp 50 triệu đồng, ông Ung Văn Thành xã Phú Long, Phú Tân vận động 500 bao xi măng, gia đình ông Châu Hồng Phước TT Chợ Vàm, Phú Tân đóng góp trên 130 khối đá cùng với bà con trong và ngoài xã chung tay đóng góp từ 50.000đ đến 20 triệu xây cầu.”

Bà Lý Thị Lệ Hằng, Phó bí thư đảng ủy- Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh cho biết thêm: “Qua việc xây dựng cầu nông thôn năm nay thể hiện được sự đồng lòng giữa ý đảng lòng dân, công trình xây cầu bê tông lộ sau K16 hoàn thành góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, giúp giảm lưu lượng giao thông đối với tuyến đường chính của xã, giúp giảm chi phí sản xuất nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân”

Có thể thấy với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, xã Phú Thạnh đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia thực hiện công trình xây dựng Nông thôn mới bằng nhiều hình thức. Một khi ý Đảng đã hợp lòng dân thì người dân sẵn sàng đóng góp ngày công, vật tư, hiến đất…, cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới./.